3 Từ lý luận và thực tiễn đến phương châm “Nói đi đôi với làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ lý luận và thực tiễn đến phương châm “Nói đi đôi với làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

vn-hcm.png

Nói đi đôi với làm” hay “Lý luận gắn liền với thực tiễn” là một trong những nguyên tắc cơ bản và tổng quát được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo từ lý luận gắn liền với thực tiễn của Chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn. Người đã khái quát thành lý luận trong hoạt động thực tiễn nước ta và đã trở thành bài học vô giá cho mọi thế hệ ở trong giai đoạn xây dựng và thống nhất đất nước. Phương châm “Nói đi đôi với làm” đã trở thành hành động bất diệt trong thời đại Hồ Chí Minh và nó luôn có giá trị thực tiễn sâu sắc, trường tồn, vĩnh cửu. Có thể khẳng định rằng, nội dung “Nói đi đôi với làm” là một trong những biện pháp căn bản nhất, thực tiễn nhất nhằm ngăn ngừa, khắc phục bệnh kinh nghiệm, bệnh giáo điều, chỉ có nói mà không làm. Người nói: "Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách". Chúng ta đi phân tích nguồn gốc, con đường hình thành từ “Lý luận và thực tiễn” đến “Nói đi đôi với làm” ở góc độ sau:

  1. 1.Từ những khái niệm lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Ngay từ thời cổ đại, vấn đề mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn đã được đề cập. Tuy nhiên, chỉ đến khi chủ nghĩa Mác - Lênin mới đưa ra quan niệm thực sự khoa học về mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn. C.Mác và Ăngghen đã xác nhận một cách hiểu về biện chứng của cái khách quan và cái chủ quan, của thực tiễn và lý luận: “Tinh thần” coi hiện thực thực tại chỉ là phạm trù đương nhiên sẽ quy mọi hoạt động và thực tiễn của con người thành một quá trình tư duy biện chứng của sự phê phán có tính phê phán”. Còn Lênin cũng cho rằng: “Phép biện chứng là học thuyết về sự thống nhất của các mặt đối lập”. Như vậy, mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn với tư cách là sự thống nhất của các mặt đối lập.

Lênin khẳng định: “Học thuyết của Mác đã dung hợp lý luận và thực tiễn của cuộc đấu tranh giai cấp thành một chỉnh thể không tách rời..”. Như vậy, ngay trong những quan điểm triết học Mác, vấn đề lý luận và thực tiễn đã được thống nhất thành một chỉnh thể. Thực tiễn và lý luận là hai mặt đối lập vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn trong cùng một chỉnh thể thực tiễn.

Những cống hiến vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin cả về lý luận và thực tiễn đã góp phần làm cho hệ thống lý luận của Mác, Ăngghen ngày càng hoàn chỉnh. Chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ giải thích về mặt lý luận, mà còn vạch ra con đường, những phương tiện cải tạo thế giới bằng thực tiễn trên cơ sở lý luận. Đó là mối liên hệ hữu cơ, biện chứng giữa lý luận cách mạng và thực tiễn cách mạng.

Ở khía cạnh nào đó, thì trong thực tiễn cũng có lý luận và ngược lại trong lý luận cũng có thực tiễn. Lênin chỉ ra rằng: “Toàn bộ đời sống thực tiễn của con người thâm nhập vào bản thân lý luận nhận thức và cung cấp một tiêu chuẩn khách quan của chân lý: chừng nào chúng ta chưa biết một quy luật của giới tự nhiên thì quy luật đó, trong khi tồn tại và tác động độc lập và ở ngoài nhận thức của ta, biến ta thành những nô lệ của “tính tất yếu mù quáng”.

Quan niệm về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn chiếm một vị trí quan trọng trong lý luận nhận thức của chủ nghĩa Mác – Lênin, và trong mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, thì thực tiễn là cái luôn giữ vai trò quyết định; còn lý luận có tính độc lập tương đối của nó. Điều này có nghĩa là: Sự hình thành và phát triển của lý luận một mặt, bị quy định bởi thực tiễn lịch sử xã hội, mặt khác lại phụ thuộc vào sự tác động của các yếu tố bên trong của nó.

Như vậy, sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn còn có sự tác động qua lại và bổ trợ cho nhau. Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn còn được hiểu theo cách phù hợp và tương thích cũng như tính điều kiện cần và đủ. Tuy nhiên, sự phù hợp giữa lý luận và thực tiễn lại mang tính chất vận động, phát triển liên tục tương hỗ, bảo trợ giữa thực tiễn và lý luận.

Từ những quan điểm “Lý luận và Thực tiễn” của chủ nghĩa Mác - Lênin nêu trên, cho ta thấy Hồ Chí Minh đã hệ thống hóa một cách tinh tế thành những quan điểm toàn diện và sâu sắc và rất thực tiễn về những vấn đề thực tiễn ở nước ta. Để rồi quan điểm “Nói đi đôi với làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời, đó là một cuộc cách mạng về nhận thức cho con đường cách mạng của giải phóng dân tộc Việt Nam, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

2. Đến quan điểm “Nói đi đôi với Làm” trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xuất phát từ học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông". Hồ Chí Minh dùng nhiều cách diễn đạt khác nhau để mọi người dễ hiểu: "Lý luận đi đôi với thực tiễn", "Lý luận kết hợp với thực hành", "Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”, "Lý luận phải liên hệ với thực tế”.

Từ thực tiễn, Người nói: “Có những kẻ miệng thì nói phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân”. Nói thì cứ nói, nhưng làm thì cứ làm. Người nói: “Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin”. Nhưng điều cốt lõi nhất mà Người muốn nhấn mạnh: "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn”, từ đó "nói phải đi đôi với làm”.

Như vậy, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn được Hồ Chí Minh hiểu trên tinh thần biện chứng. Thực tiễn cần tới lý luận soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng để không mắc phải bệnh kinh nghiệm, còn lý luận phải dựa trên cơ sở thực tiễn, phản ánh thực tiễn và phải luôn liên hệ với thực tiễn, nếu không sẽ mắc phải bệnh giáo điều. Nghĩa là thực tiễn, lý luận cần đi cùng nhau, hỗ trợ cho nhau, bổ sung cho nhau. Hồ Chí Minh căn dặn: "học tập lý luận thì nhằm mục đích để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc để tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng".

Tư tưởng này của Hồ Chí Minh cho tới nay vẫn giữ nguyên giá trị  lý luận và thực tiễn đối với chúng ta. Người cũng lưu ý rằng, không nên coi chủ nghĩa Mác - Lênin là “kinh thánh”, là những công thức có sẵn, cứng nhắc mà nên biết vận dụng, cải biến, sáng tạo thành những thuật ngữ dễ hiểu, đơn giản để mọi người đều hiểu. Có như vậy thì việc nghiên cứu, học tập vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin mới có hiệu quả và những vấn đề lý luận cao siêu của chủ nghĩa Mác mới đi vào hiện thực được.

Cùng với việc chống giáo điều trong vận dụng lý luận cũng như kinh nghiệm. Người nói: "Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều”. Từ thực tế đã chứng minh, ở nước ta có không ít cán bộ, đảng viên "chỉ bo bo giữ lấy kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng. Vì vậy, họ cứ cắm đầu nhắm mắt mà làm, không hiểu rõ toàn cuộc của cách mạng".

Bác căn dặn cho cán bộ, đảng viên:“Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”,“Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”.

Theo Hồ Chí Minh, lý luận có vai trò hết sức to lớn đối với thực tiễn, lý luận "như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi".  "Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối vừa chậm chạp vừa hay vấp váp". Người dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương. Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được ta phải: Quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất cả các đồng chí phải thành công”.

Hồ Chí Minh nhắc nhở rằng, có lý luận rồi thì phải kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm thực tế, liên hệ với thực tiễn nếu không lại mắc phải bệnh lý luận suông, bệnh giáo điều. Người khẳng định: "Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để hắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên". Như vậy cũng có nghĩa là lý luận suông, lý luận sách vở thuần túy. "Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách".

Người chỉ rõ, "lý luận rất cần thiết, nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: Lý luận phải liên hệ với thực tế”. Theo Hồ Chí Minh, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là "phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp cho chúng ta. Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm và nói cần phải đi đôi với làm…”.

Để thực hiện theo tấm gương đạo đức, cũng như tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta vừa qua đã ra nhiều nghị quyết, chỉ thị học tập và làm theo Người. Đặc biệt Đảng ta yêu cầu những người lãnh đạo cao cấp phải nêu tấm gương về đạo đức, lối sống lành mạnh, phải là những chiến sĩ đi đầu trong việc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, sa hoa, lãng phí, không chỉ trong xã hội mà cả trong khu phố, gia đình riêng. Đặc biệt là vấn đề nói đi đôi với làm, nói đến vấn đề chống tham nhũng, trước tiên mình không là người tham nhũng, nói đến đạo đức, trước tiên mình phải là người có đạo đức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở rằng: Muốn khẳng định và giữ vững vị thế của một Đảng cầm quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phảicó lý tưởng, có tinh thần thiết thực và công tác thực tế hợp lại mới là người đảng viên tốt”. Lý luận khoa học được Người vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Người luôn mong cán bộ, đảng viên được trang bị, thấm nhuần lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin - lý luận cách mạng nhất, thiết thực nhất, đó là tiền đề, là cơ sở hình thành xây dựng tư tưởng đạo đức người cách mạng theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

3. Từ quan điểm “Nói đi đôi với Làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến hoạt động thực tiễn của người cán bộ hiện nay.

“Nói đi đôi với làm” theo tinh thần của Hồ Chí Minh đòi hỏi: Một là, “Nói” phải đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không được xuyên tạc, nói sai; Hai là, không được “nói một đằng, làm một nẻo”; Ba là, tránh nói, tránh hứa mà không làm. (Làm ở đây chính là hành động, là hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước). Vậy, theo quan điểm “nói đi đôi với làm” của Người không chỉ là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động, mà còn là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn. Với Người, hành động của Người từ việc nhỏ tới việc lớn, từ việc riêng tới việc chung, bao giờ cũng “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”.

Trong giáo dục cán bộ đảng viên, Người nói: Nếu cán bộ đảng viên tư tưởng và hành hộng không nhất trí, thì khác nào “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Trong quân ngũ, Người dạy “quân lệnh như sơn”. Trong gia đình, lời nói việc làm mẫu mực của người cha mẹ đối với con cái. Trong nhà trường là tấm gương sáng của thầy cô đối với học sinh. Trong tổ chức tập thể tấm gương của người đứng đầu. Trong xã hội đó là tấm gương của những người này đối với người khác. Trong bằng hữu là tấm gương đối với bạn. Trong cơ quan, là tấm gương với đồng nghiệp. Tấm gương ở đây là nói đi cùng với hành động để chứng minh là mình làm. Hồ Chí Minh luôn phê phán những cán bộ chỉ biết nói, mà không biết làm dù chỉ là một việc nhỏ. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên đã nói thì phải làm, “Nói ít, bắt đầu bằng hành động”, “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”.

Hiện nay, chúng ta đang ra sức phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng thực thi việc học tập, quán triệt phương châm “Nói đi đôi với làm” của Người. Để thực hiện phương châm “Nói đi đôi với làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt những điều sau:

Một là, người cán bộ phải là người đi đầu gương mẫu. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Người căn dặn “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Điều này càng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên từ việc nhỏ đến lớn, từ việc riêng đến việc chung, từ trong cuộc sống đến công việc thường ngày luôn luôn phải nỗ lực thực hiện tốt phương châm với 5 chữ “Nói đi đôi với làm”.

Thứ hai, người cán bộ phải học tập và rèn luyện đạo đức cách mạng. người cán bộ luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm yêu cầu về rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra: “Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là một tấm gương về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình phấn đấu thực hiện tốt lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng viên làm bất kỳ việc gì cũng phải gương mẫu”.

Thứ ba, người cán bộ phải thực hiện công tác kiểm tra giám sát, tinh thần phê tự phê. Kiên quyết thực hiện đúng phương châm “Nói đi đôi với làm”, đã nói phải làm, đã làm phải chịu. đó là tinh thần phê và tự phê. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện những biểu hiện sai lệch trong cách nói, cách làm trong công việc. Tăng cường tính phê và tự phê bình trong hàng ngũ Đảng. Tăng cường tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết. Tiếp tục “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục, giảm bớt giấy tờ, hội họp; sâu sát thực tế, cơ sở; nói đi đôi với làm”. Trong đánh giá “lấy hiệu quả thực tế của công tác và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu”.

Thứ tư, người cán bộ phải tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc. Trong cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến địa phương, cơ sở cần đổi mới cách thức làm việc. Mỗi cán bộ, đảng viên, không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt những biện pháp học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần thiết thực thực hành phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Nói đi đôi với làm”. Cần thiết ở mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt những người lãnh đạo, nhất là những lãnh đạo đứng đầu đơn vị hãy làm những việc gương mẫu trước, dù đó là việc nhỏ, nhưng cũng gấp ngàn lần những lời nói suông.

Thứ năm. người cán bộ phải có cái tâm, cái đức trong sáng. Bác nói: “…Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. “Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”. “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Người dạy “nói và làm là tự bản thân mỗi người, bản thân người được nói để người khác nghe theo thì phải là con người lòng dạ trong sáng, phải chính tâm, phải thật sự là tấm gương”.

Lời nói đi đôi với việc làm, đây là một trong những đạo lý làm người, mà Chủ tích Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo. Người nhắc nhở: “Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin”.

Trong suốt cuộc đời mình, Người đã giáo dục mọi người và chính bản thân Người đã thực hiện điều đó một cách nghiêm túc và đầy đủ nhất. Ở Người luôn thực hiện lời nói đi đôi với hành động, lý luận luôn đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, nói. Người nói ít, nhưng làm nhiều, làm sai rồi sửa, sửa rồi làm lại cho đúng, sai rồi phải phê bình cải tạo. Những vấn đề đạo đức, Người không nói mà chỉ làm. Thực tế cho thấy, có không ít cán bộ, đảng viên "chỉ bo bo giữ lấy kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng. Vì vậy, họ cứ cắm đầu nhắm mắt mà làm, không hiểu rõ toàn cuộc của cách mạng". Quên rằng, "kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về một mặt mà thôi. Có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng một mắt mờ".

Thực trạng đáng buồn hiện nay, một số cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất một cách trầm trọng cả về lý tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống…lời nói không đi đôi việc làm, ngày một phát triển nhiều chủ nghĩa cá nhân, tư lợi... Tệ nạn tham ô tham nhũng, lo lắng cho một xã hội thoái hóa biến chất đang ngày một gia tăng. Tình thương giữa con người đối với con người dần phai nhạt, trở thành thù địch, đối thủ…Trong xã hội thì nhân dân mất đi niềm tin vào cán bộ với suy nghĩ “ hành là chính” chứ không phải cán bộ đảng viên là người đầy tớ của nhân nhân, hết lòng phụng sự nhân dân. Kỷ cương, kỷ luật, nội quy, quy chế bị phá vỡ, luân thường đạo lý đảo lộn, xã hội thì ngày một đi sâu vào kinh tế thị trường, lấy đồng tiền làm thước đo cho mọi quan hệ xã hội. Đó cũng là hệ lụy của cơ chế thị trường, sự mai một về văn hóa truyền thống, đó là đạo đức gia phong, đó là hòa nhập, nhưng lại hòa tan, mà không thanh lọc trong sự ô hợp của các nền văn hóa lai căng hội nhập.

Trước những thách thức của thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới, trước thực trạng báo động về trình độ lý luận của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay đã nảy ra những điểm yếu kém mà chưa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ, cũng như tầm nhìn của thời kỳ mới hội nhập. Nghị quyết Đại hội Đảng khẳng định: “Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là các cán bộ lãnh đạo chủ chốt, phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn. Học tập là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên…”.

Để cán bộ, đảng viên luôn thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, luôn nói đi đôi với làm, khắc phục bệnh kinh nghiệm, thì trước hết họ cần phải khắc phục bệnh kém về lý luận, bệnh coi khinh lý luận. Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, thì hơn bao giờ hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên hãy không những cần phải thấm nhuần tư tưởng, mà còn phải dám nghĩ, dám làm, để lãnh đạo quần chúng, phục vụ quần chúng.

Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, không chỉ là bài học tư tưởng quý giá, mà còn có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi người cán bộ, đảng viên chúng ta ngày hôm nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trên đà hội nhập quốc tế, song hành cùng đó là ra sức đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh. Để Việt Nam ngày càng định vị trên bản đồ thế giới về tầm nhìn lý luận chính trị, sức mạnh về kinh tế, bề dày về văn hóa và đi đầu trong mọi hành động quốc tế ./.

 

ThS. Hoàng Anh Tuấn (BQL Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh)