3 Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý ở TP.HCM

Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý ở TP.HCM

             Cách đây 65 năm, để động viên mọi lực lượng tham gia thực hiện đường lối “Kháng chiến, kiến quốc” của Đảng nhằm đánh bại thực dân Pháp xâm lược, ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc trước quốc dân, đồng bào. Người đã chỉ rõ mục đích của thi đua ái quốc là “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Người quan tâm chỉ đạo, động viên phong trào thi đua yêu nước trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cách làm là dựa vào: “Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân; Vì vậy, bổn phận mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá; chúng ta vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, thực hiện dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Theo Bác, “Thi đua – khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hàng ngày”

             Thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua ái quốc đã phát triển, lan rộng khắp các vùng miền đã cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói; Thi đua học tập xoá nạn mù chữ, chống giắc dốt và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu (7.5.1954), đồng thời là động lực to lớn để cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước, đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội.

             Trong giai đoạn hiên nay, trước những thời cơ, thách thức vô cùng to lớn, Đảng và Nhà nước ta xác định công tác thi đua – khen thưởng có vị trí hết sức quan trọng ở tầm đường lối chính trị và phương pháp cách mạng, trên cơ sở đó cần tiếp tục thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh, coi thi đua là một động lực cách mạng, một động lực phát triển, một động lực của công cuộc đổi mới, nhằm đẩy mạnh phong trào yêu nước phát triển sâu rộng, thường xuyên, coi đó là một phương thức cần thiết để tạo ra một động lực phát triển đất nước, đưa Việt Nam vượt qua thử thách, tạo đà đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

             Để thực hiện lời dạy của Bác một cách thiết thực, đồng thời vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vào thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý ở thành phố Hồ Chí Minh một cách hiệu quả, với vai trò là người làm công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố và Hội đồng Thiđua – Khen thưởng thành phố lãnh đạo, chỉ đạo về lĩnh vực công tác thi đua, khen thưởng, tôi xin được nêu lên một số giải pháp trong việc vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc vào công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý ở thành phố Hồ Chí Minh, nội dung giải pháp như sau:

 

1. Trước hết, sự cần thiết phải nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và tính tất yếu của thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

             Theo Hồ Chí Minh, thi đua là tất yếu vì nền tảng của nó là "công việc hàng ngày của tất cả mọi người". Người nâng quan niệm thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị, coi thi đua yêu nước là biểu hiện của lòng yêu nước, của mỗi người dân Việt Nam, thi đua yêu nước là cốt cách, phẩm chất, đạo đức của người Việt Nam yêu nước; Bác khẳng định: “Hễ là người Việt Nam, yêu nước thì phải thi đua, thi đua là yêu nước, thi đua là một cách yêu nước thiết thực nhất và những người thi đua là những người yêu nước nhất.

             Trong công cuộc đổi mới của đất nước, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, có thời điểm đã từng có nhận thức sai lầm cho rằng: Trong kinh tế thị trường cứ mạnh ai người ấy làm, chỉ cần cạnh tranh lành mạnh, có thu nhập cao đó chính là phần thưởng cho người lao động và coi thi đua không còn quan trọng nữa và bị buông lỏng.

             Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã từng có giai đoạn chịu ảnh hưởng của nhận thức sai lầm này. Tuy nhiên, từ khi có Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 03/6/1998 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới đã làm thay đổi nhận thức trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu của từng cơ quan, địa phương, đơn vị; Trên tinh thần quán triệt sâu sắc Tư tưởng của Bác về thi đua ái quốc và Chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, công tác thi đua, khen thưởng của thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước chuyển biến tích cực; việc tổng kết, đánh giá rút ra những bài học kinh nghiệm của công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm, đánh dấu bước chuyển mình khá rõ rệt cả về nhận thức và hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thuộc thành phố.

             Từ sự chuyển biến về nhận thức, thấy rõ vai trò, ý nghĩa và tác dụng của phong trào thi đua yêu nước là vô cùng to lớn, là động lực thực sự góp phần vào thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị; vì thế vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, việc điều hành và tổ chức triển khai của Chính quyền và sự phối hợp có trách nhiệm cao của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị luôn được phát huy tốt; phong trào thường xuyên được đổi mới về nội dung và phương thức tổ chức phong trào và ngày càng được đông đảo đối tượng tham gia hưởng ứng một cách tích cực với tinh thần tự nguyện, tự giác cao. Mặt khác, lợi ích thiết thực do các phong trào thi đua mang lại là hết sức to lớn, vì thông qua phong trào đã huy động được nguồn lực về tinh thần, sức lực, trí tuệ và kể cả nguồn lực vật chất của cả hệ thống chính trị, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo nên thế và lực mới trong thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

             Cũng từ nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, tác dụng của phong trào thi đua nên có giai đoạn công tác thi đua, khen thưởng bị xem nhẹ, để khắc phục tình trạng đó đã tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua, nội dung phát động phong trào thi đua yêu nước phù hợp với sự phát triển của thành phố trong từng thời điểm cụ thể. Làm rõ nhận thức kinh tế thị trường không gây trở ngại cho phong trào thi đua yêu nước mà ngược lại thúc đẩy phong trào phát triển. Bởi vì, ở nước ta là kinh tế thị trường được xây dựng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa và chính trong cơ chế thị trường này, mới có điều kiện kết hợp chặt chẽ hai loại động lực: tinh thần và vật chất; kết hợp cả yếu tố tự phát và tự giác của con người, tạo nên nội lực mạnh mẽ của phong trào. Đồng thời, làm rõ thêm thi đua không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi công dân, mỗi cán bộ, Đảng viên.

 

2. Trách nhiệm, phương pháp lãnh đạo phong trào thi đua

             Theo dõi sát và tổng kết kinh nghiệm chỉ đạo các phong trào thi đua, Chủ tịch Hồ Chí minh chỉ ra những nơi phong trào thi đua yếu kém là do có khuyết điểm trong công tác tổ chức lãnh đạo phong trào. Có một số khuyết điểm chính thường mắc trong công tác tổ chức,  lãnh đạo Phong trào thi đua. Như: Hướng dẫn thiếu thống nhất. Chương trình còn nhiều nơi chưa sát. Kế hoạch thiếu chu đáo, tỷ mỉ. Thi đua nơi thì thiếu bền bỉ, nơi thì làm quá sức, nơi thì chưa tự động. "Tổ chức và lãnh đạo còn kém, không phát triển được hết sáng kiến và năng lực của quần chúng. Cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương thiếu sự phối hợp với nhau, thiếu sự tổng kết kinh nghiệm và tra đổi kinh nghiệm".

             Nên Người khẳng định rõ: "Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng", mới có thể tạo thành động lực phát triển cách mạng. Cần có sự lãnh đạo thống nhất, có sự phối hợp giữa Đảng, Chính quyền với Đoàn thể và nhân dân để đẩy mạnh phong trào thi đua, thường xuyên, liên tục. Theo dõi sát sao, chỉ  đạo phong trào thi đua là trách nhiệm của cán bộ và  cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành.

             Theo tư tưởng của Bác, Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm và phát huy vai trò Lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc đề ra các chủ trương về đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua; phát huy trách nhiệm phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị; Quy định chặt chẽ chức năng nhiệm vụ của Hội đồng, của các thành viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đúng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết và tổng kết đánh giá các phong trào thi đua. Làm cho phong trào thi đua yêu nước ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, thông qua hoạt động cụm, khối thi đua trong những năm gần đây đã phát huy có hiệu quả tính chủ động, sáng tạo của các cụm trưởng, khối trưởng hàng năm trong việc tổ chức triển khai nội dung, tiêu chí phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị trong từng cụm, khối thi đua; việc tổ chức kiểm tra, theo dõi, đôn đốc phong trào thi đua cũng được duy trì thường xuyên; Thủ trưởng các đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị cũng đã gắn bó với hoạt động cụm, khối thi đua nhiều hơn.

             Phải thường xuyên bám sát phong trào thi đua, mục tiêu, nội dung tiêu chí thi đua phải thật rõ ràng, cụ thể, sát với tình hình nhiệm vụ và đặc điểm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, nhằm tạo môi trường thi đua mang tính cạnh tranh lành mạnh theo đúng pháp luật đi đôi với thi đua, hợp tác, học hỏi lẫn nhau. Thi đua đi đôi với đoàn kết, ngăn ngừa tình trạng đố kỵ, chèn ép, kìm hãm lẫn nhau. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:"Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi".

 

3. Nâng cao năng lực tham mưu, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác quản lý về Thi đua, khen thưởng:

             Để cho phong trào thi đua yêu nước giữ đúng vị trí, vai trò theo Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Những người làm công tác thi đua, khen thưởng phải dày công nghiên cứu những vấn đề cốt lõi Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất  những biện pháp tổ chức phong trào thi đua một cách toàn diện cho trước mắt và lâu dài. Các cấp, các ngành cần quan tâm việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, đặc biệt là cán bộ làm công tác thi đua – khen thưởng nắm vững những vấn đề lý luận trong hệ Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, những vấn đề thực tiễn và quy định pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng, để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận và và tính chuyên nghiệp để có đủ năng lực tham mưu cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện của Chính quyền và các đoàn thể chính trị, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.

             Kiện toàn Hội đồng Thi đua – Khen thưởng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ tư vấn, giám sát và định hướng phong trào thi đua ở từng cấp; phát huy vai trò trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động phong trào thi đua.

             Kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự làm công tác thi đua, khen thưởng , đặc biệt là quan tâm đến việc bố trí cán bộ làm phong trào thi đua như lời Bác Hồ đã dạy “Cán bộ nào, phong trào đó”. Có như thế mới có thể theo sát được phong tràothi đua, đánh giá đúng kết quả của phong trào thi đua và thông qua phong trào để phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng điển hình tiên tiến và nhân rộng các điển hình thông qua việc tổng kết và phát động phong trào học tập các điển hình tiên tiến và tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến. Đồng thời cũng là cơ sở trong việc xem xét, thẩm định thành tích để đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp thành tích xuất sắc cho phong trào thi đua một cách chính xác, khách quan. Phong trào thi đua phải hướng vào xây dựng người cán bộ hết lòng phục vụ nhân dân, tinh thông nghiệp vụ, công tâm, liêm khiết, được nhân dân tin cậy.

             Tuy nhiên, thực trạng hiện nay của tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng vừa thiếu lại vừa yếu, thiếu ở đây là thiếu người làm phong trào, bởi vì trong giai đoạn trước khi có Luật thi đua, Khen thưởng thì bộ phận làm công tác thi đua, khen thưởng chỉ có chưa đầy 10 biên chế, khi thì trực thuộc Văn phòng UBND Tỉnh, thành phố, khi thì là bộ phận Thường trực của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng thành phố, do đó chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng, cán bộ chuyên trách chủ yếu làm công tác tổng hợp khen thưởng, chưa quan tâm đến việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền về phong trào thi đua, về xây dựng điển hình tiên tiến. Sau khi Luật Thi đua – Khen thưởng ra đời, Nghị định số 22/NĐ-CP ra đời, Ban Thi đua – Khen thưởng các tỉnh, thành phố được thành lập, sau đó ít lâu lại sáp nhập vào trực thuộc Sở Nội vụ, tuy rằng biên chế được tăng thêm, chức năng nhiệm vụ được xác định rõ hơn nhưng cũng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới, nhất là mảng phong trào thi đua yêu nước; nhiều cán bộ chuyên trách ở cấp huyện vẫn kiêm nhiệm thêm việc, cấp phường thì không có biên chế chuyên trách mà phải kiêm nhiệm nên không chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Hội đồng thi đua lãnh đạo, chỉ đạo phong trào một cách toàn diện. Hầu hết cán bộ không được đào tạo chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn không vững nên hiệu quả công tác quản lý và tham mưu còn nhiều hạn chế.

             Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý báu để lại cho Đảng và nhân dân ta. Ôn lại những lời dạy của Bác về công tác thi đua, khen thưởng và liên hệ tình hình thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý ở thành phố Hồ Chí Minh thì chúng ta phải nhìn nhận rằng những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị và hết sức thiết thực trong giai đoạn hiện nay và giúp chúng ta một lần nữa nhận thức thêm quan điển, tư tưởng của Bác về thi đua yêu nước là hết sức quan trọng trong mọi giai đoạn của cách mạng và công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động luôn là hình mẫu, là động lực động viên thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta phát triển không ngừng.

             Với tinh thần đó, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và Hội thảo chủ đề “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay” tôi xin giới thiệu một số giải pháp về vận dụng Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý tại thành phố để các đồng chí cùng tham khảo.

Hoàng Nghĩa Huỳnh (Theo hdtdkt.hochiminhcity.gov.vn)